Đề xuất trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghề

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét trích từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ chi trả đào tạo các kỹ năng nghề cho người lao động một cách thường xuyên, liên tục, mang tính lâu dài.

Sáng 7/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm sửa đổi.

Đánh giá cao việc dự luật bổ sung chế định liên quan đến hệ thống thông tin thị trường lao động, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho rằng quy định này rất kịp thời trong thời đại công nghệ số.

"Đây không chỉ là giải pháp hiện đại hóa hành chính công mà còn là một bước đi chiến lược phù hợp với xu hướng quốc tế, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, giải quyết vấn đề việc làm trong bối cảnh thị trường đầy biến động và cạnh tranh, từng bước phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội", bà Thư nói.

Đề xuất trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghề - 1

Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư (Ảnh: Hồng Phong).

Nữ đại biểu đề nghị bổ sung chính sách tái đào tạo lao động gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật Việc làm (sửa đổi). Nguyên nhân vì bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức, đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm, tụt hậu kỹ năng.

Mặc dù đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp, song theo bà Thư, những chính sách này chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.

Tức là chính sách này mới giải quyết ở một phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích như người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng để duy trì việc làm mà không phải mất việc.

Nữ đại biểu dẫn chứng ở một số quốc gia phát triển như Singapore, Đức và Đan Mạch đã có các chính sách chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang mô hình đầu tư kỹ năng hỗ trợ người lao động học nghề mới chuyển ngành nghề phù hợp, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cùng với đó là xây dựng nền tảng công nghệ kết nối với việc làm và học tập liên thông, giúp giảm độ trễ công nghệ thông tin, tăng cơ hội tiếp cận nghề mới.

Ví dụ, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí 100% cho người lao động cao tuổi hoặc làm việc trong những ngành nghề lỗi thời.

Về nguồn ngân sách thực hiện, bà Thư cho rằng có thể xem trích từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vì Quỹ này đang chủ yếu dùng để chi trả bảo hiểm thất nghiệp và cũng một phần để hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm.

"Thay vì chi trả cho đào tạo nghề ngắn hạn, cần chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề làm việc cho người lao động một cách thường xuyên, liên tục, mang tính lâu dài", đại biểu Thư nhấn mạnh.

Đề xuất trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghề - 2

Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Ảnh: Hồng Phong).

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng quan tâm đến việc phát triển kỹ năng nghề, được quy định tại chương V của dự thảo Luật.

Theo ông, phát triển kỹ năng là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về việc làm, đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn, trình độ kỹ năng nghề của khu vực và thế giới, từ đó xây dựng được thị trường việc làm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đại biểu Đức, dự thảo luật không quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề mà do Chính phủ quy định do cơ quan có thẩm quyền cấp. Chính phủ cũng sẽ ban hành danh mục nghề, công nhận việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Cho rằng việc giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục là phù hợp và linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung danh mục và trình tự, thủ tục, tuy nhiên, ông Đức đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh, hệ thống phát triển kỹ năng nghề là nền tảng then chốt để tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực.

Đề xuất trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghề - 3

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước (Ảnh: Hồng Phong).

Ông đề xuất bổ sung rõ theo hướng Nhà nước khuyến khích và thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức thực tập, đánh giá kỹ năng nghề. Các doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động có trách nhiệm phối hợp với ít nhất một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề theo mô hình kép.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8). Dự kiến, luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngày 11/6, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, kỳ họp thứ 9.

Bình luận

Thêm Bình luận