Những vụ hàng giả gây ám ảnh liên tiếp bị triệt phá trong tháng 4
00:00/06:41
(Dân trí) - Trong một tháng, Bộ Công an và cảnh sát địa phương liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất hàng giả là thực phẩm, khởi tố hàng chục bị can.
"Hàng giả" - cụm từ có lẽ khoảng hơn một tháng qua trở thành nỗi ám ảnh với người dân và dư luận, khi cứ vài ngày lại có một vụ việc, đường dây, loạt sản phẩm bị lực lượng chức năng vạch trần về chất lượng, tính trung thực trên bao bì, quảng cáo.
Trên mạng xã hội, một bình luận nghe có phần "chua xót", rằng: "Giờ chắc chỉ có nước mưa là thật", đã phản ánh sự mất niềm tin của người dân đối với các sản phẩm trên thị trường.
Kẹo rau Kera
Đầu tháng 4, "cú sốc" đầu tiên thuộc về Thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (tức kẹo Kera), của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.
Công ty này do Nguyễn Thị Thái Hằng, tức Hằng Du mục, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, và Phạm Quang Linh, còn gọi là Quang Linh Vlogs, là thành viên hội đồng quản trị.

Những phiên livestream bán kẹo Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và hoa hậu Thùy Tiên (Ảnh: Y.T.).
Quảng cáo là giúp bổ sung chất xơ cho người bận rộn, hỗ trợ tiêu hóa nhờ vào lượng chất xơ từ rau củ và giảm nguy cơ táo bón, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục còn "nổ" rằng "một viên kẹo Kera tương đương một đĩa rau" hoặc "Hai viên kẹo cung cấp chất xơ tương đương hai bó rau".
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, sản phẩm kẹo rau củ Kera thực chất là hàng giả. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng kết luận kẹo Kera có chứa chất Sorbitol, là một chất tạo ngọt với hàm lượng 33,4gr/100gr nhưng không có ghi trên nhãn sản phẩm theo quy định.
Kết quả, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs cùng 3 người khác bị khởi tố.
Nhà chức trách xác định Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt đã bán ra thị trường hơn 135.000 hộp kẹo trên, trong thời gian từ ngày 12/12/2024 đến ngày 19/3, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Sữa giả
Hơn một tuần sau, dư luận tiếp tục "ngã ngửa" khi Bộ Công an phát hiện 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai.
Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. 8 đối tượng đã bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất (Ảnh: Bộ Công an).
Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.
Các đối tượng khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Theo cáo buộc, trong khoảng 4 năm, 2 doanh nghiệp trên đã bán số lượng lớn sữa giả ra thị trường, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Thuốc giả
Đến giữa tháng 4, Công an tỉnh Thanh Hóa công bố về đường dây thuốc giả "khủng" vừa bị triệt phá, khởi tố 14 đối tượng.
Theo đó, trong khoảng 4 năm, hàng chục loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp bị nhóm đối tượng làm giả và bán ra thị trường cả nước, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.
Các đối tượng đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất, đồng thời nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, chúng đặt mua nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi thuê nhân công làm thành thuốc giả, bán ra thị trường thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau.

Số thuốc giả bị thu giữ trong đường dây (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Các nhãn hiệu thuốc giả đều do nhóm đối tượng tự đặt tên, sau đó gắn mác tên công ty có trụ sở tại Hồng Kông, Malaysia, Singapore... khiến người tiêu dùng dễ nhầm tưởng là thuốc nhập khẩu chính hãng.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.
Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên, dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường.
Khi đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định, các đối tượng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất, đối tượng khách hàng chủ yếu là dược sĩ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.
Thực phẩm chức năng giả
Cuối tháng 4, Bộ Công an liên tiếp triệt phá 2 đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả.
Một là của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech, còn lại là do Công ty MediPhar và nhóm công ty liên kết sản xuất.
Trong đó, Công ty Herbitech bị thu giữ 117 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe để giám định. Hai trong số đó là MEDI KID CALCIUM K2 và Ăn ngon BABY SHARK đã được xác định là hàng giả.

Sản phẩm Ăn ngon BABY SHARK được xác định là giả (Ảnh: CAND).
Quá trình sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Công ty Herbitech đã sử dụng các phiếu kết quả thử nghiệm giả mang tên Công ty TSL để sản xuất, gia công và công bố sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường.
Đối với vụ thứ 2, Bộ Công an xác định từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA), Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar) cùng 3 đối tượng khác đã thành lập và điều hành 9 công ty để hợp thức hóa hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.
Các đối tượng thực hiện từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì và tiêu thụ trên thị trường.
Đối với các sản phẩm giả, các đối tượng cho in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu..., nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường. Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố.

Số thực phẩm chức năng bị lực lượng chức năng thu giữ (Ảnh: CAND).
Nhóm người tiêu dùng mà các đối tượng nhắm đến để bán sản phẩm chủ yếu tập trung vào người già, trẻ em.
Mở rộng điều tra, Bộ Công an xác định Mạnh còn móc ngoặc, thông đồng và đưa tiền "lobby" cho ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cùng 4 cán bộ Cục An toàn thực phẩm, để được bỏ qua các lỗi vi phạm.
Từ đó, 2 nhà máy MediPhar và MediUSA được tạo điều kiện trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt; cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 công ty thuộc hệ sinh thái do Mạnh điều hành.
Trả lời phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 14/5, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng là trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương).
Đại biểu cho rằng các vụ sữa giả, thuốc giả nếu không có sự "chống lưng" của cơ quan chức năng thì đã bị xử lý từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới phát hiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Quốc hội).
"Các cơ quan liên quan cần kiểm tra, giám sát nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, có thể đóng cửa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm. Đồng thời, cũng cần phải xem lại trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực này xem đã làm hết trách nhiệm, đã công tâm vô tư chưa hay chỗ thì quyết liệt nhưng có chỗ thì vẫn để các cơ sở ung dung ngoài vòng pháp luật", ông Hòa nói.
Theo đại biểu, chỉ cần các cơ quan chức năng công tâm vô tư, khách quan, kiểm tra thường xuyên và quyết liệt với tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, cơ sở sản xuất thuốc hay cơ sở sản xuất sữa... thì tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc giả, sữa giả mới cải thiện.
Bình luận
Thêm Bình luận