Trước hoàng hôn ngày 22/3, vài chục người Mỹ gốc Á tuần tra trong một khu phố tại New York, nhằm bảo vệ chính cộng đồng của mình.
Họ không phải cảnh sát, mà là những sinh viên, nhân viên bán lẻ và người về hưu, chỉ mang theo điện thoại di động phòng trường hợp bắt gặp người nào đó bị quấy rối hoặc tấn công. Nhiệm vụ của họ là không để ai làm tổn thương người gốc Á, bằng cách gọi cảnh sát giúp đỡ hay tự mình can thiệp.
"Làn sóng thù ghét làm tôi cảm thấy phát ốm. Vì vậy, đã đến lúc chúng tôi cần lên tiếng và giúp nhau hết sức. Nếu có ai cố gắng làm bất kỳ hành động gì, có lẽ họ sẽ phải suy nghĩ lại", Wan Chen, tình nguyện viên 37 tuổi của "đội quân" bảo vệ người gốc Á, cho hay.
Các nhóm tình nguyện viên như vậy đang phát triển trên khắp nước Mỹ. Họ tuần tra trong những khu phố của cộng đồng người gốc Á từ thành phố New York đến Oakland, bang California. Công việc bao gồm hộ tống những người lo lắng về sự an toàn tại nơi họ muốn đến, giám sát trong cộng đồng và can thiệp nếu cần thiết.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các thành phố tại Mỹ đã chứng kiến ngày càng nhiều vụ tấn công nhằm vào người châu Á. Theo một phân tích do các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang California thực hiện, số vụ phạm tội thù ghét người châu Á ở 16 thành phố lớn nhất Mỹ đã tăng 149% trong giai đoạn 2019-2020.
Theo giới chức Sở Cảnh sát New York (NYPD), việc nCoV được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc khiến một số người đổ lỗi cho người Mỹ gốc Á về nguồn gốc đại dịch. Năm ngoái, thành phố New York ghi nhận 28 trường hợp phạm tội thù ghét người châu Á liên quan đến đại dịch, trong khi con số này năm 2019 chỉ có ba. Cảnh sát cũng đánh giá số trường hợp được báo cáo chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.
Để ứng phó tình hình, NYPD năm ngoái thành lập Lực lượng Chuyên trách Tội Thù ghét người châu Á, đồng thời tăng cường tuần tra tại những khu dân cư nhất định, bao gồm khu phố người Hoa ở Manhattan hay một phần Brooklyn, Ủy viên NYPD Dermot Shea trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm 23/3.
Cảnh sát San Francisco, Seattle, Chicago và nhiều thành phố khác cũng tăng cường hoạt động sau vụ xả súng hôm 16/3 tại ba spa ở Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người thiệt mạng, bao gồm 6 phụ nữ gốc Á. Sự việc làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn, kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Mỹ gốc Á và thúc đẩy giám sát tốt hơn tội thù ghét.
Jing Li, người đàn ông 30 tuổi sống tại khu dân cư Flushing ở New York, đã tham gia chuyến tuần tra tình nguyện đầu tiên vào ngày 22/3, sau khi đọc tin về vụ xả súng ở Atlanta. Li chưa từng thực sự lo lắng về an toàn của anh và mẹ kể từ khi họ chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ khoảng 10 năm trước.
Thông thường, khi đi quanh các con phố tại Flushing, mọi người sẽ nghe thấy tiếng Quan Thoại nhiều hơn cả tiếng Anh. Các biển hiệu phía trước các tiệm bánh, hiệu thuốc và những khu chợ cũng viết hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, Li cảm thấy cuộc sống của người Trung Quốc tại Mỹ đã trở nên khác biệt trong năm qua, với tin tức về những vụ tấn công người Mỹ gốc Á tràn ngập mặt báo.
NYPD cho biết một người đàn ông thuộc nhóm tình nguyện tuần tra ở Flushing bị gạt điện thoại khỏi tay hôm 21/3, sau khi quay lại cảnh hai người đàn ông phỉ báng người châu Á. Vài ngày trước đó, cảnh sát cho biết một đứa trẻ 13 tuổi trong khu phố bị ba người xô ngã và chửi bới.
"Thế giới đang thay đổi. Bạn không thể đoán mọi người đang suy nghĩ như thế nào", Li nêu ý kiến, nói thêm rằng anh đã dặn mẹ mình cảnh giác hơn.
Một số cư dân tại Flushing cho biết họ cảm thấy yên tâm khi xuất hiện nhiều xe cảnh sát hơn bình thường. Tuy nhiên, vài người khác bày tỏ lo ngại cư dân trong khu phố sẽ không thoải mái nhờ cảnh sát giúp. Đây là một phần lý do họ tin rằng các nhóm tuần tra tình nguyện là cần thiết.
Cựu sĩ quan NYPD Richard Lee, một trong những thủ lĩnh của nhóm tình nguyện Tuần tra An toàn Cộng đồng tập trung hoạt động ở Flushing, giải thích rằng một số người nhập cư từng có trải nghiệm tiêu cực với cảnh sát, hoặc nhiều người có thể không biết tiếng Anh.
Cũng theo Lee, trong nhiều trường hợp, những lý do phức tạp về văn hóa khiến người Mỹ gốc Á không muốn báo cáo sự việc với cảnh sát. Một ví dụ là những người nhập cư từ Trung Quốc phải làm việc cật lực nuôi gia đình có thể cảm thấy không đủ thời gian để tìm kiếm hỗ trợ về y tế hoặc pháp lý sau khi bị tấn công.
"Họ có thể mất 3-4 ngày xin nghỉ phép, trong khi cuộc sống của họ và gia đình phụ thuộc vào đó. Vì vậy, họ thà chịu đựng và bỏ qua. Chúng tôi muốn hướng dẫn họ thay đổi tình trạng này", Lee cho hay.
NYPD và chính quyền địa phương tuần trước kêu gọi các cá nhân đừng ngần ngại gọi 911 chỉ vì không biết tiếng Anh. Họ có thể nói một từ bằng ngôn ngữ giao tiếp của mình để người điều hành chuyển cuộc gọi cho ai đó đủ khả năng hỗ trợ. Các sĩ quan còn khuyên người dân trước hết hãy gọi cảnh sát nếu bắt gặp một tình huống phạm tội.
Trong khi đó, Lee cố gắng trấn an cư dân trong cộng đồng rằng ngay cả khi họ sợ nói chuyện với cảnh sát, thành viên của nhóm Tuần tra An toàn Cộng đồng sẽ có mặt để hỗ trợ họ gọi điện.
Các tình nguyện viên thuộc nhóm này còn đi phát tờ rơi cho những quầy hàng và người qua đường. Có người lắc đầu bỏ đi, nhưng những người khác đã dừng lại để trao đổi. Nhiều người cho biết gần đây bạn bè và gia đình tại châu Á hỏi han nhiều hơn về sự an toàn của họ.
Peggy Zhong, một cố vấn tài chính và là thành viên nhóm Tuần tra An toàn Cộng đồng, đã chia sẻ hình ảnh cuộc tuần hành mà cô tham gia tại khu phố người Hoa ở Manhattan và Brooklyn cho bạn bè ở Trung Quốc.
"Họ động viên tôi, chúc may mắn, an toàn và mạnh khỏe", Zhong cho hay, nói thêm rằng cô không thể tiếp tục im lặng.
Bình luận
Thêm Bình luận