Bác bảo vệ 10 năm 'nơi nào cũng là nhà'

Suốt 10 năm qua, ông Phan Nhân (68 tuổi) làm bảo vệ ở đâu thì xem nơi đó là nhà với suy nghĩ còn sức khỏe thì còn làm việc. Câu chuyện của ông sau khi lan truyền trên mạng xã hội đã có một cái kết đẹp.

Ban đêm làm bảo vệ, ban ngày ông Nhân chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

 “Còn sức nên không muốn nhờ con cháu”

Ông Nhân làm bảo vệ ca đêm cho một cửa hàng ở Đường 26/3 (Q. Bình Tân). Theo địa chỉ được một người dân cung cấp, “nhà” của ông Nhân là nơi có treo tấm bìa các tông có ghi dòng chữ “Tại đây có xe ôm” ngay ngắn trên thân cây. 7 giờ sáng tan ca thì ông về chỗ này mắc võng nằm nghỉ, ai kêu xe ôm thì ông chạy kiếm thêm chút tiền. Hơn 20 năm nay, ông đã làm bảo vệ ở nhiều nơi nhưng ở đây thì mới 2 tháng nay.

“Ngôi nhà” của ông chỉ đơn giản là một chiếc võng mắc ven bờ kênh dọc Đường 26/3 (Q. Bình Tân).

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Nhân cho biết ông không thuê trọ ở vì ở một mình tốn nhiều chi phí, lương bảo vệ hằng tháng đôi lúc cũng gửi về quê để phụ giúp cho các em cũng như đến ngày thì lo giỗ cha mẹ và vợ.

Theo lời ông kể, quê ông ở Huế, 30 năm trước ông chuyển vào TP.HCM sống. Vợ ông mất cách nay 10 năm, con gái thì sống cùng chồng ở Gia Lai. Ông có 3 người cháu ngoại, đứa lớn nhất hiện ở Gia Lai, đứa thứ hai có vợ và sống ở Bình Chánh, đứa út thì đi làm ở Q.1.

Khi hỏi vì sao ông không về ở với cháu mà lại ngủ ngoài đường, ông giải thích: “Nhà chúng nó xa chỗ làm của tôi nên đi lại cực lắm. Mặt khác, đứa nào cũng có công việc và gia đình riêng thành ra mình ở chung cũng khá bất tiện dù đứa nào cũng kêu mình về ở để gần gũi và tiện chăm sóc. Thêm nữa là tôi cũng còn sức đi làm tự nuôi mình nên không muốn nhờ con cháu”.

Ông Nhân thử điện thoại “xịn” của cháu ngoại mới tặng hôm qua.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Nói về việc này, bà Phan Thị Mỹ Hạnh (50 tuổi, Gia Lai), con gái ông Nhân cho biết con cháu thường bảo ông về ở cùng nhưng ông không chịu, tính ông vốn dĩ hiền, thích tự do, ra ngoài sống và đi làm một mình.

Anh Nguyễn Văn Hải (25 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), cháu ngoại thứ 2 của ông cho biết ông vẫn hay thường ghé nhà mình để nghỉ ngơi, thăm cháu. “Thấy ông ở ngoài đường bụi bặm, chịu cực như vậy nhưng tôi đi theo công trình suốt, lâu lâu mới về, lương cũng ba cọc ba đồng nên không giúp ông nhiều hơn được. Ông thấy tôi vậy cũng muốn ra ở riêng cũng như đi làm cho gần chứ hai ông cháu không cãi vã, xích mích gì, lâu lâu tôi còn ghé qua chỗ làm thăm ông cho đỡ nhớ nữa mà”, anh Hải chia sẻ.

Làm ở đâu, nghỉ ở đó

Ông Nhân cho biết ông đã sống như thế này từ khi vợ mất, tính đến nay cũng ngót nghét 10 năm. Có khi làm bảo vệ ở đâu thì chỗ đó tạo điều kiện cho ông ở lại, thỉnh thoảng ông cũng về ở với các cháu hay bà con.

“Gia tài” ông Nhân hiện tại chỉ có mấy bộ đồ bảo vệ luân phiên mặc mỗi ngày, một chiếc xe máy, cái võng dù, hộp đựng cơm, bình đựng nước cũng như mấy tờ giấy khám bệnh cất kỹ trong cốp xe. Quần áo và những đồ dùng không cần thiết khác ông để lại nhà cháu ngoại ở Bình Chánh, khi nào cần thì ghé lấy.

Khi nào chạy xe ôm hay đi làm thì ông tháo võng bỏ gọn vào bọc rồi treo hai bên xe cùng với những thứ khác. Ông Nhân tắm giặt ở nhà vệ sinh của cửa hàng, ăn uống thì mua mỗi bữa. Ngày nắng thì ông mắc võng nằm nghỉ, ngày mưa thì ghé quán cà phê nào đó ngồi chờ cho tạnh.

Hiện tại mắt trái của ông không còn nhìn rõ vì bị cườm nhiều năm nay.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ngoài những vật kể trên, chiếc kính mát còn là thứ không thể thiếu với ông Nhân. Ông kể trước đây bị cườm mắt, được chính quyền nơi ở cũ hỗ trợ mổ mắt bên phải miễn phí, bên trái thì vẫn còn nên ông chỉ thấy mờ mờ, lúc nào cũng đeo kính để tránh chói nắng.

Anh N.T.H (35 tuổi), một người dân sống gần đó cho biết dù ông mới về đây ở nhưng bà con khu này ai cũng quý ông vì tính ông dễ mến.

Anh kể: “Nhiều lúc thấy ai muốn sang đường đổ rác, ông Nhân đều đi qua giành lấy đem đổ giùm để họ khỏi mất công. Sau khi biết ông bị cườm mắt, tôi đã tìm nơi mổ mắt miễn phí cho ông, hiện tại đang đợi giấy tờ của ông”.

Đại diện chính quyền Khu phố 11 (P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân) cho biết đã nắm được trường hợp của ông Nhân và cử người xuống gặp trực tiếp, trao đổi về nguyện vọng của ông, sẵn sàng hỗ trợ việc làm cũng như chỗ ở mới.

Về phần ông Nhân, ông cho biết nếu được vậy thì ông rất mừng vì có nơi che nắng che mưa sau những giờ làm việc mệt mỏi. “Giờ ở một mình ráng đi làm kiếm sống qua ngày, khi về già thì xin vào viện dưỡng lão, vậy là xong một đời người”, ông tâm sự.

 

Bình luận

Thêm Bình luận